1. Thế nào là chiến lược kinh doanh giảm giá?
Chiến lược kinh doanh giảm giá là hình thức kinh doanh của một công ty, một doanh nghiệp, một tập đoàn hay thậm chí một cửa hàng nhỏ nhằm tăng hiệu quả bán hàng. Đây là hình thức giảm giá các sản phẩm so với giá được đưa ra ban đầu trong một giới hạn thời gian. Chiêu thức này có thể áp dụng đối với một số sản phẩm hoặc tất cả sản phẩm có trong cửa hàng.
Có một số công ty giảm giá các sản phẩm đã quen thuộc trên thị trường từ lâu. Một số công ty khác lại giảm giá đối với các sản phẩm mới như một chiêu thức thu hút khách hàng. Và cũng không ít công ty giảm giá những cả sản phẩm mới và cũ để kích thích khách hàng mua sản phẩm nhiều hơn và thu hút họ dùng thử những sản phẩm tiếp theo.
2. Giảm giá nên áp dụng khi nào?
Không phải lúc nào công ty bạn cũng đưa ra các chương trình giảm giá sản phẩm được, điều đó còn tùy thuộc vào mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp tùy từng thời điểm.
Các thời điểm nên áp dụng chương trình giảm giá sẽ là:
– Các dịp khai trương cửa hàng, khai trương cơ sở mới
– Các dịp lễ, Tết khi nhu cầu mua hàng của khách hàng tăng cao
– Khi công ty cho ra mắt sản phẩm mới
– Khi các sản phẩm của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tồn kho nhiều
– Khi đối thủ cạnh tranh đang có những chương trình thu hút khách hàng
3. Lợi ích của chiến lược kinh doanh giảm giá
Thoạt nhìn nhiều người vẫn nghĩ rằng giảm giá thì khách hàng sẽ được lợi hơn người bán vì người bán phải bán sản phẩm thấp hơn so với giá bình thường. Có phải như vậy không? Thông thường những sản phẩm sau khi đã giảm giá cũng không thể thấp hơn giá trị thực của sản phẩm. Thay vì bán một số lượng sản phẩm ít với giá cả cao, các nhà kinh doanh sẽ lựa chọn bán giá thấp hơn 1 chút nhưng bán được số lượng lớn.
Việc giảm giá không chỉ giúp người mua cảm thấy “hạnh phúc” vì được mua sản phẩm giá rẻ mà vô hình chung khách hàng giúp doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng. Giảm giá luôn đi kèm với sự sáng tạo, ví dụ bán giá chiếc bút máy Pilot thấp hơn 20% nhưng hãy khuyến khích khách hàng mua thêm ống mực với giá niêm yết. Xét cho cùng khách hàng lời 1 thì bạn lời 2.
Bạn có tin rằng chỉ khi chương trình giảm giá được đưa ra áp dụng thì một số khách hàng mới biết đến thương hiệu của bạn không? Tại một số nhãn hiệu, người tiêu dùng sẽ không có khả năng mua hàng nếu không được áp dụng chương trình giảm giá. Khi chiến lược kinh doanh giảm giá được áp dụng, kể cả những người có thu nhập bình thường cũng có thể mua các loại hàng hóa cao cấp.
Xét về lâu về dài, giảm giá sản phẩm là có lợi cho doanh nghiệp, nếu như chất lượng sản phẩm tốt những người mua hàng trong đợt giảm giá sẽ giới thiệu lại cho bạn bè và người thân hoặc sẽ quay lại mua hàng lần tiếp theo. Những lời giới thiệu chân thật nhất từ khách hàng là chiếc loa quảng cáo đáng tin cậy nhất. Khách hàng của bạn chính là dân sale giỏi nhất và tài năng nhất.
4. Nhược điểm của chiến lược kinh doanh giảm giá
Vấn đề luôn có 2 mặt, chiến lược giảm giá mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp và cũng mang lại những bất lợi không muốn có. Nếu nhà kinh doanh không nhận thức được khi nào cần giảm giá, khi nào không cần giảm giá sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp.
– Mật độ giảm giá quá nhiều khiến khách hàng thiếu niềm tin vào sản phẩm
– Tạo thói quen mua hàng chỉ chờ đợi giảm giá mới mua
– Lợi nhuận giảm
– Hình ảnh thương hiệu bị giảm do 2 từ “giảm giá”
– Khách hàng trung thành với sản phẩm bị giảm do họ sẽ lại bị hấp dẫn với các chương trình khuyến mại của đối thủ cạnh tranh.
5. Lưu ý khi bán hàng giảm giá
Không phải lúc nào hàng giảm giá cũng được khách hàng đón nhận và giảm giá quá nhiều cũng khiến họ nghi ngờ về sản phẩm của bạn. Hãy thật tỉnh táo khi đưa ra thời gian và mức độ cho mỗi lần giảm giá.
Chiến lược kinh doanh giảm giá là hình thức để thu lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất nên hãy áp dụng nó một cách thông minh, sáng suốt chứ đừng làm theo cảm hứng. Tuy là giảm giá nhưng những sản phẩm có trong danh sách giảm giá phải là những sản phẩm chất lượng, thời hạn sử dụng còn dài thì càng tốt.
Giảm giá có thể làm bạn tăng lượng khách hàng lên đáng kể thì cùng có thể giảm số lượng khách hàng của bạn đi. Người ta thường có câu “Tiền nào của nấy” nếu cứ giảm giá quá nhiều dịp sẽ khiến khách hàng nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của bạn và lợi nhuận bán hàng cũng bị giảm đi nhiều.
Chiến lược này chỉ nên được áp dụng vào những dịp đặc biệt và trong thời gian ngắn đủ để nhiều khách hàng biết đến bạn và đủ để bạn thu lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nên nhớ rằng cái gì nhiều quá cũng không tốt.