Ngày nay các doanh nghiệp đều có đích đến và mục tiêu rõ ràng vào tuyên bố sứ mệnh và tầm nhìn. Những tuyên bố này đều giúp phục vụ các mục đích chung cho công ty. Trong đó Sứ mệnh mô tả hành động doanh nghiệp cần thực hiện ra sao để đạt được Tầm nhìn. Trong khi, Tầm nhìn là những gì doanh nghiệp hoạch định ra điều mình muốn đạt được trong tương lai. Giá trị cốt lõi là tất cả những gì tại doanh nghiệp không thể cân đo đong đếm để trả bằng tiền hoặc bất biến theo thời gian. Đây là nền tảng giúp đơn vị hình thành nội quy chung.
Vậy làm thế nào để có thể hiểu đúng được tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi ? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Đích đến của Doanh nghiệp
Khi đề cập về đích đến, chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều nghĩ về một hành trình nào đó trong cuộc đời: có rất nhiều con đường chúng ta đã đi qua, cũng như nhiều đích mà ta cần tới. Hành trình cho chúng ta trải nghiệm còn thách thức cho chúng ta sự trưởng thành, và trở nên mạnh mẽ hơn.
Là chủ doanh nghiệp, bạn phải luôn luôn hướng về phía trước nhưng cần tập trung vào những mục tiêu nhỏ mỗi ngày. Đây chính là một công việc không mấy dễ dàng. Vậy câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Làm thế nào để tôi có thể tận hưởng hành trình điều hành một doanh nghiệp theo cách bài bản, chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp của bạn phải có tính tổ chức, thương mại, có lợi nhuận và tự vận hành được khi không có mặt bạn ở đó.
Khi tôi nói định nghĩa về doanh nghiệp thành công này, rất nhiều anh chị đã không hoàn toàn đồng ý về nội hàm của nó. Một trong những lý do được đưa ra là: “Khi bắt đầu mở một doanh nghiệp, với ước mơ đơn giản là mình sẽ có một công việc ở trong doanh nghiệp đó để thoát khỏi cảnh đi làm thuê ngày 8h đồng hồ với những môi trường mà mình không thích. Vậy tôi sẽ làm gì, sẽ đi đâu khi mà doanh nghiệp tự nó vận hành được?”
Chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại xem, có phải cái “Thuở ban đầu lưu luyến ấy” chúng ta ước mơ có thêm tiền, thêm thời gian và phong cách sống tốt hơn khi trở thành một người chủ doanh nghiệp hay không?
Là một chủ doanh nghiệp, cũng từng khởi nghiệp không thành công, tôi đã rất nhiều lần từng tự hỏi bản thân mình nhiều câu hỏi. Nhưng câu hỏi xoáy sâu nhất trong tâm can của tôi khi gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển doanh nghiệp đó là: “TẠI SAO ngày đó tôi lại quyết định tiếp tục khởi nghiệp một doanh nghiệp?” Và tâm trí của tôi vẽ lại bức tranh tương lai tươi sáng như thế này: Tôi muốn có thêm tiền nuôi sống gia đình, tạo điều kiện cho con cái học tập ở môi trường tốt hơn, tôi cũng muốn báo đáp công lao của bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục tôi, và một khát khao rất cháy bỏng khi đó tôi muốn có thêm thời gian dành cho cuộc sống và đam mê của riêng mình cùng với việc chăm sóc con cái.
Và thế là tôi lao vào khởi nghiệp lại, như chẳng có con đường nào để đi tiếp, tôi làm tất cả mọi việc cần thiết và có thể để hoàn thiện ý tưởng về sản phẩm, rồi hào hứng mang đi chào hàng. Khách hàng lắng nghe tôi nói như nuốt từng lời, khen hay nức nở, rồi hẹn tuần sau anh sẽ xem xét hợp đồng nhé. Và rồi, những cuộc hẹn cứ lùi xa dần… xa dần không hồi đáp. Hết khách hàng này đến khách hàng khác, hết công việc của một nhân viên tư vấn, nhân viên kinh doanh, nhân viên kế toán, thậm chí hành chính nhân sự cũng chưa có gì nhiều nên tôi cũng làm luôn cho tiện, và tiết kiệm chi phí. Kể lại cũng nhiều chuyện hay và tích cực, là vì công ty nhỏ, khởi nghiệp chỉ với 3 người, nên nhân viên được rèn luyện nhiều kỹ năng và bỗng dưng trở thành nhân viên giỏi “toàn diện” vì được va đập vào thực tế nhiều hơn bao giờ hết.
Tôi từng coi bận rộn là lẽ sống của cuộc đời, tôi rất hay khoe với mọi người rằng “Tôi bận lắm” câu này trở thành cửa miệng khi giao tiếp với tất cả mọi người. Mà cũng đúng thật, khi tôi đi làm thuê, tôi làm một việc là giám đốc nhân sự, chỉ quẩn quanh với nghiệp vụ liên quan đến phạm vi nhân sự mà thôi. Nhưng khi tôi mở công ty riêng, tôi ước mình được làm việc trong chính doanh nghiệp của mình, thật là cầu được ước thấy nhưng hỏi không bận sao được khi mà tôi phải làm đủ thứ vai trò trong chính doanh nghiệp của mình. Và thế là, từ lúc nào tôi bị cuốn vào công việc hết xuân qua hè tới, thu qua đông lại… dường như tôi ít có thời gian để ngẫm lại mọi thứ. Mỗi khi có chút thời gian, tôi loáng thoáng nhớ rằng, hình như mình phải xây dựng một con đường cho doanh nghiệp của mình, hình như cần phải làm việc này, có vẻ như nó cần thiết, nhưng lúc đó tôi cũng không thật sự rõ ràng tại sao mình cần phải làm nó. Mọi thứ cứ cuốn tôi đi, từ việc làm một người chủ doanh nghiệp… tôi bị doanh nghiệp làm chủ lại mình từ lúc nào không hay.
Nếu bạn thấy câu chuyện này giống giống với bạn thì hãy kiên nhẫn đọc tiếp nhé.
Đích đến của doanh nghiệp, là một việc chúng ta bắt buộc phải xây dựng khi khởi nghiệp, và ngay cả khi bạn đã sở hữu một doanh nghiệp thì bạn cũng cần phải ngồi xuống, suy ngẫm và trả lời các câu hỏi sau đây:
-
Tôi muốn đưa doanh nghiệp này đi đến đâu?
-
Định nghĩa về sự thành công trong doanh nghiệp của bạn là gì?
-
Tại sao tôi muốn đi tới đó?
-
Tôi sẽ đi bằng cách nào?
-
Ai sẽ đi cùng với tôi?
Hãy đặt câu hỏi, ám ảnh với nó để trực giác có thể dẫn lối bạn đi tới sự thành công mà bạn mong muốn. Có một sự thật về tư duy, mà khi bạn đồng hành cùng với các huấn luyện viên doanh nghiệp, bạn được trang bị một tư duy hoàn toàn mới đó là THỊNH VƯỢNG KHÔNG GIỚI HẠN. Điều này sẽ dẫn lối bạn vượt qua khó khăn, thách thức, và luôn tìm được sự thịnh vượng khi mở rộng góc nhìn về con đường kinh doanh của mình. Vũ trụ bao la và đủ lớn cho bạn mọi nguồn lực, nếu bạn đủ khát khao và điều hướng sự tập trung của mình vào sự thịnh vượng không giới hạn, chỉ có những điều mình thấy mới nhỏ bé và giới hạn mà thôi.
Việc xác định đích đến, để chúng ta hình dung về một nơi mà chúng ta sẽ đưa doanh nghiệp của mình đi tới, đây là công việc hoạch định về tầm nhìn, sứ mệnh, và giá trị cốt lõi nào bạn mong muốn doanh nghiệp của mình có được.
Tầm nhìn của doanh nghiệp
Tầm nhìn là một nơi xa nhất bạn có thể hình dung, hãy bắt đầu bằng một điểm cuối ở trong tâm trí, tầm nhìn giống như một ngôi sao xa nhất dẫn đường chỉ lối cho chúng ta vươn tới, mà tưởng chừng như sẽ không bao giờ với tới được. Cần lưu ý bản thân mục tiêu cốt lõi không thay đổi song nó lại khuyến khích, truyền cảm hứng cho những thay đổi khác trong công ty. Việc không bao giờ hoàn thành mục tiêu cốt lõi cũng đồng nghĩa với việc một tổ chức không bao giờ ngừng thay đổi và tiến bộ để tiến gần hơn, xứng đáng hơn với mục tiêu đó. Nó gợi cho bạn những hình dung về một thành tựu xuất sắc, một điều gì đó Vĩnh Cửu, là lý do tồn tại của doanh nghiệp bạn, có thể đó chính là những điều thúc đẩy chúng ta từ bên trong, mà cũng có thể là mong ước của chúng ta về nơi mà ta thực sự muốn đến.
Thường thì tầm nhìn sẽ bao gồm thành tố về viễn cảnh tương lai và một tư tưởng cốt lõi, điều này hình dung như đó là sự phối hợp tự nhiên của yếu tố bên trong là tư tưởng cốt lõi và điều chúng ta mong ước trở thành (đó có thể là những thay đổi, thích ứng và cải tiến để đạt được viễn cảnh tương lai). Chính điều này nó đem lại sự sống và hiện thực hóa tầm nhìn ở những giai đoạn đầu của tổ chức.
Vậy tư tưởng cốt lõi là gì? Tư tưởng cốt lõi là những đặc tính bất biến của một tổ chức, nó mang tính nhất quán, vượt lên tất cả các sản phẩm, thị trường, các tiến bộ công nghệ và phong cách quản trị của các nhà lãnh đạo. Tư tưởng cốt lõi là chất kết dính trong một tổ chức trong suốt quá trình phát triển của nó cho dù doanh nghiệp có thể phát triển, mở rộng phân quyền hoặc là mở rộng thị trường toàn cầu v..v nhưng những tư tưởng cốt lõi không bao giờ thay đổi.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp
Giá trị cốt lõi là những nguyên tắc cơ bản cốt lõi và bất biến của một doanh nghiệp. Đó là một nhóm nhỏ những nguyên tắc mang tính dẫn hướng, không thay đổi cho dù bất kể hoàn cảnh như thế nào. Thường thì giá trị cốt lõi cho đội ngũ nhân sự của chúng ta biết chúng ta làm việc vì cái gì, và công ty luôn theo đuổi những giá trị đó ngay cả khi chúng trở nên bất lợi trong môi trường cạnh tranh.
Giá trị cốt lõi là thứ không thay đổi theo thời gian. Bạn có thể thiết lập một danh sách các giá trị cốt lõi sau đó đặt câu hỏi cho từng giá trị một: “Nếu hoàn cảnh thay đổi và giá trị này gây khó khăn cho công ty, chúng ta sẽ giữ hay bỏ nó? ” . Nếu bạn không thể trung thực trả lời “có” thì hãy mạnh dạn gạch ra khỏi danh sách.
Đối với các cá nhân để xác định giá trị cốt lõi cần trả lời câu hỏi: Cá nhân bạn coi trọng những giá trị nào – Những giá trị mà bạn luôn muốn giữ gìn và hướng tới ngay cả khi bạn không được khuyến khích và khen thưởng vì điều đó?
Nếu con cái của bạn hỏi về những giá trị nào bạn coi trọng trong công việc, những giá trị bạn mong muốn chúng hình thành khi trưởng thành và đi làm, bạn sẽ chọn giá trị nào?
Nếu ngày mai bạn có đủ tiền và không cần làm việc đến cuối đời, bạn có tiếp tục theo những giá trị đó không? Bạn có sẵn sàng giữ giá trị đó ngay cả khi trong một số thời điểm nó trở thành bất lợi trong cạnh tranh cho công ty của bạn?
Viễn cảnh tương lai. Đây là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng tầm nhìn của công ty, trong phần này cần có một mục tiêu táo bạo, quyết đoán trong khoảng thời gian 10-30 năm (BHAG). Và một bản mô tả cụ thể tình hình công ty khi đã đạt được mục tiêu to lớn, vĩ đại và táo bạo đó.
Có rất nhiều cách thức để thiết lập mục tiêu BHAG chẳng hạn cho các doanh nghiệp đang trên đà phát triển ví dụ như: Trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường miền bắc về mạng lưới phân phối.. chẳng hạn. Việc diễn đạt mục tiêu BHAG giống như việc mô tả bức tranh bằng lời để tạo ra những hình ảnh sống động trong trí óc của các thành viên. Điều này giúp cho mục tiêu BHAG trở nên hữu hình trong suy nghĩ của mọi người trong doanh nghiệp.
Chẳng hạn hãy xem Henry Ford mô tả về viễn cảnh tương lai như sau:” Tôi sẽ cung cấp xe hơi cho đại đa số người dân, xe hơi sẽ có giá phải chăng, giúp cho bất cứ ai đi làm đều có thể mua được, sử dụng thoải mái với gia đình, Khi đó ai cũng có thể có xe hơi. Xe ngựa sẽ biến mất khỏi xa lôi của đất nước chúng ta, xe hơi sẽ được coi là phương tiện đi lại đương nhiên, và chúng tôi sẽ tạo công ăn việc làm với lương cao cho rất nhiều người.”
Sứ mệnh của doanh nghiệp
Bạn cần trả lời câu hỏi: Tại sao bạn đang làm công việc bạn đang làm để tìm ra sứ mệnh cuộc đời của cá nhân bạn, còn với doanh nghiệp, bạn cần trả lời các câu hỏi sau đây để thực sự tìm ra sứ mệnh của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp của bạn là ai?
Bạn đang cung cấp cái gì?
Tại sao khách hàng lại quay lại sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn?
Điều gì khiến bạn khác biệt đối với đối thủ cạnh tranh?
Những câu hỏi rất đơn giản, bạn hoàn toàn có thể trả lời được nó, làm sao để câu trả lời cũng đơn giản như thế, mục đích cuối cùng là tất cả mọi người trong doanh nghiệp: Cổ đông, Đối tác, Khách hàng và nhân viên đều có thể hiểu cái mục đích cốt lõi mà doanh nghiệp chúng ta ra đời nhằm để làm gì? Phục vụ ai? Và mang lại lợi ích gì cho họ? Có đôi khi nó cũng là một động lực để giúp bạn trả lời câu hỏi tại sao bạn lại làm việc vất vả như thế để làm gì?
Là một nhà huấn luyện doanh nghiệp, tôi luôn cảm thấy tự hào mỗi khi đến thăm các khách hàng của mình, nhìn thấy bản tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị văn hoá được trang trọng treo ở những nơi mà mọi người dễ thấy, dễ đọc. Đó là những khoảnh khắc tôi thấy được giá trị nhỏ bé của mình trong sứ mệnh làm cho thế giới thịnh vượng hơn thông qua hoạt động tái đào tạo cho các chủ doanh nghiệp.
Làm thế nào để xây dựng được giá trị văn hóa cho doanh nghiệp?
Đây là một câu hỏi được rất nhiều chủ doanh nghiệp đặt ra, và cũng có hàng triệu kết quả trên công cụ tìm kiếm của Google. Tuy nhiên, nói một cách đơn giản, việc xây dựng giá trị văn hóa cho một tổ chức, không quá khó nếu bạn thực sự muốn triển khai nó, thực ra văn hóa doanh nghiệp bản chất là luật chơi được xác định dựa trên 4 đối tượng trong doanh nghiệp đó là: Chủ sở hữu, Đội ngũ, Khách hàng, và Doanh nghiệp.
Với mỗi loại đối tượng khác nhau chúng ta sẽ cần trả lời câu hỏi:
– Với Chủ sở hữu: Giá trị nào mà các nhà đầu tư nhận được khi đầu tư vào công ty của bạn?
– Với Đội ngũ: Giá trị nào giúp cho đội ngũ của bạn cống hiến hết sức mình?
– Với Khách hàng: Điều gì khiến cho khách hàng quay trở lại mua hàng từ công ty của anh chị?
– Với Doanh nghiệp: Doanh nghiệp sẽ đóng góp gì cho cộng đồng, xã hội?
Khi chúng ta hoạch định rõ với mỗi đối tượng khác nhau sẽ có những luật chơi khác nhau. Doanh nghiệp luôn ở trong trạng thái cân bằng về lợi ích, và sự hài hoà cũng sẽ là động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của Doanh nghiệp trong tương lai.
Trên đây là các kiến thức về tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Tất cả những yếu tố này đều giúp cho doanh nghiệp bạn có được một hành trình phát triển logic, bài bản và chuyên nghiệp.
Nếu doanh nghiệp của bạn chưa làm tốt vấn đề này, hãy liên hệ với ActionCOACH Hanoi West, gặp những nhà huấn luyện của ActionCOACH Hanoi West trong chương trình chia sẻ không thu phí: 6 bước xây dựng doanh nghiệp hiệu quả. Hi vọng bài viết đã đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn. Hẹn gặp lại tại sự kiện!