Nếu muốn tạo ra động lực làm việc tốt nhất cho người lao động, và để họ thực sự trở thành các tài sản có giá trị cao nhất trên bảng tổng kết tài sản, bạn cần tạo ra cảm giác và thực sự mang lại cơ hội công bằng để mỗi nhân viên thực sự trở thành một đối tác của doanh nghiệp.

 

Các lãnh đạo tài ba nhất luôn biết cách để nhân viên của mình có cảm giác rằng mình là một đối tác kinh doanh của doanh nghiệp. Vì sao vậy? Khi cá nhân có cảm giác sở hữu một thứ, họ sẽ luôn tìm kiếm cơ hội cải thiện nó, bảo vệ nó, và dành tất cả sức lực của mình cho nó.

 
 

Các thể chế kinh doanh đẳng cấp quốc tế và những người lãnh đạo các thể chế này luôn nỗ lực xây dựng môi trường làm việc kích thích tinh thần doanh nhân và phát triển cảm giác sở hữu doanh nghiệp. Công cụ được sử dụng phổ biến là các chính sách chia sẻ lợi nhuận, quyền mua cổ phần hay rất đơn giản là thay đổi cách gọi với người lao động. Starbucks và TDIndustries gọi người lao động của mình là “đối tác” (partners), Guidant – nhà sản xuất máy điều hoà nhịp tim nổi tiếng, sử dụng cụm từ “người lao động-nắm quyền sở hữu” (employee-owners), LensCrafters, Marriott, W.L Gore, Publix Super Markets, và Capital One, và nhiều hãng kinh doanh khác dùng từ “cộng sự” (associates). “Đồng sự” (fellow) cũng được áp dụng rộng rãi.

 

Hình thành quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và từng người lao động chính là một hình thức người quản lý có thể sử dụng để trao quyền, gắn kèm theo đó là trách nhiệm lớn hơn với công việc, cho nhân viên của mình. Anne Bruce, tác giả cuốn “How to motive every employee”, đưa ra ba gợi ý giúp doanh nghiệp cải thiện mối quan hệ với người lao động.

 

1. Khuyến khích tinh thần doanh nhân

 

Thể hiện phổ biến qua việc áp dụng chính sách chia sẻ lợi nhuận và quyền mua cổ phần. Tư duy, cách suy nghĩ của một doanh nhân đòi hòi mỗi nhân viên suy nghĩ như một người chủ kinh doanh, không thuần tuý là người làm công ăn lương. Khái niệm này cũng hàm chứa việc chia sẻ quyền sở hữu, quan tâm và chăm lo cho thành công kinh doanh cũng như hạnh phúc của mỗi người trong doanh nghiệp. Khi từng người lao động đều cảm thấy mình là một doanh nhân, họ tự tạo ra động lực vươn tới các thành quả đáng kinh ngạc trong công việc của chính mình.

 

2. Giải thích rõ công việc kinh doanh được vận hành ra sao

 

Điều này giúp người lao động hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra bên ngoài văn phòng làm việc. Khi từng thành viên của doanh nghiệp biết rằng công việc của họ nằm ở đâu trong hệ thống, giá trị và sự khác biệt họ mang lại, cũng là lúc họ phát huy tốt nhất năng lực sáng tạo trong công việc. Tiếp cận đầy đủ thông tin về lịch sử và truyền thống mang lại cảm nhận lớn hơn về thành quả và đặc trưng của doanh nghiệp. Các nhà quản lý có trách nhiệm chỉ dẫn và giúp đỡ nhân viên đọc và hiểu bản báo cáo thường niên của doanh nghiệp (nếu có). Thông điệp của các nhà quản trị cấp cao, thường là Giám đốc Điều hành (CEO), cần chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tầm nhìn và tiến trình phát triển của tổ chức. Khuyến khích các thành viên xác định rõ những gì họ có thể đóng góp trực tiếp vào mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Tiếp theo đó, nhà quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên triển khai các ý tưởng.

 

3. Giúp nhân viên thực sự làm chủ công việc kinh doanh

 

Nếu nhà quản lý muốn nhân viên đóng góp nhiều hơn cho cần việc, thì cần giúp nhân viên nhìn thấy chính họ nhiều hơn trong công việc đang làm. Đây chính là chìa khoá: Nếu nhà quản lý muốn tạo ra động lực cho nhân viên làm việc ở mức hiệu quả cao nhất thì cần giúp họ có nhiều tự chủ hơn trong công việc, giúp họ được cảm thấy là một phần của hoạt động kinh doanh, một phần của cộng đồng, và trên tất cả, là chủ của từng công việc đang làm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *